Chiêm ngưỡng những vẻ đẹp "chết người" của các hố trên khắp thế giới mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng.
1. Bahamas: Hố Xanh Dean - Thiên đường của
lặn tự do
Tên địa danh này đơn thuần bắt nguồn từ họ của người chủ
đất địa phương. Hố Xanh Dean ở phía tây thị trấn Clarence, thuộc đảo quốc
Bahamas xinh đẹp là hố nước mặn sâu nhất thế giới nằm dưới mực nước biển, đạt
độ sâu 202m. Được bao bọc bởi một vòng cung vách đá đồ sộ, hố nước này có bề
mặt khá tròn trịa với bán kính chỉ khoảng 25 - 30m.
Nhưng càng lặn xuống sâu, hố càng mở rộng bán kính thành
một hang động lên đến 100m. Không có quần thể san hô cũng như sinh vật biển
cư ngụ thường xuyên tại đây, nhưng vào buổi trưa, mặt trời có thể chiếu rọi
trực tiếp xuống lòng hố đến một độ sâu tương đối. Rất nhiều du khách nhận
định rằng đây là nơi lặn tự do thú vị nhất trên trái đất. Bởi thế, không ít
những kỉ lục thế giới về lặn tự do đã được thiết lập tại đây.
2. Oman: Hố sụt Bimmah - Ấn tượng tương phản
Hố Bimmah tạo thành khi lớp đất cát và đá vôi yếu bên trên
sụp xuống do có một đường nước ngầm dẫn từ bờ biển cách đó 500m vào và duy
trì lượng nước trong hố.
Chỉ với diện tích 40x20m, Bimmah vẫn có thể tự hào khi sở
hữu một cảnh quan tương phản đến ấn tượng. Giữa cái nóng oi bức của vùng đất
Oman thuộc Ả Rập thì hồ nước mặn Bimmah trong veo, xanh thẳm quả xứng đáng là
một thiên đường hạ giới. Cảnh quan đất núi đá vôi khô cằn, kém sức sống xung
quanh càng làm tôn thêm màu xanh ve chai đầy quyến rũ của hồ nước.
Có những du khách ưa mạo hiểm thích “nhảy ùm” từ bờ đá
xuống nước mà không cần đi cầu thang. Bật mí nhé, một dự án biến Bimmah thành
một công viên nước nho nhỏ được lên kế hoạch ngay bên cạnh đường cao tốc để
thu hút du lịch đấy.
3. Belize: Hố Xanh Vĩ đại – Điểm hẹn của dân
lặn chuyên nghiệp
Hố Xanh Vĩ đại là một hố sâu khác nằm dưới mặt biển ngoài
khơi bờ biển Belize, được bao quanh bởi rặng san hô Hải Đăng dài 70km. Trong
kỉ băng hà, đây vốn là trần của một hang băng. Nhưng khi nước biển dâng lên,
phần trần hang sập xuống tạo nên một hố tròn như ngày nay. Hố này rộng đến
300m và sâu khoảng 124m. Chính độ rộng và độ sâu như thế đã tạo cho Hố Xanh
một màu xanh thẫm mê hoặc giữa biển. Belize có thể tự hào khi nước mình sở
hữu một Di sản Thiên nhiên Thế giới đẹp hùng vĩ như thế này.
Nơi đây cũng thu hút khá nhiều sinh vật đến sinh sống, gồm
cả một số loài đặc hữu như cá mú khổng lồ, các loại cá nhám và cá mập của
vùng Caribbean, Blacktip,… Không như Hố Xanh Dean, Hố Xanh Vĩ đại lại là
thiên đường của “dân nhà nghề” lặn có sử dụng bình oxy. Dịch vụ lặn ở đây dẫn
đầu về sự thu hút trong các tour đến Belize.
4. Mexico: Hố Ik Kil - “Bồn tắm lộ thiên”
trong khu khảo cổ
Cenote-Ik Kil là một thắng cảnh nổi tiếng nằm ở ngoại ô
thành phố Tinum của bang Yucatan. Tọa lạc ở trung tâm phía bắc bán đảo
Yucatan, nơi đây là một bộ phận của Công viên Khảo cổ học Ik Kil (khá gần với
kim tự tháp Chichen Itza đó các bạn).
Hố Ik Kil mở thông như giếng trời, khoảng cách giữa mặt
đất và mặt nước bên dưới là 26m. Mặc dù chỉ có đường kính 60m và sâu 40m, hố
nước này trông rất giống một cái bồn tắm lộ thiên. Hồ nước mở cửa hằng ngày
cho du khách đến tắm. Đây cũng được chọn là nơi diễn ra cuộc thi nhảy vực Red
Bull.
5. Venezuela: Hố sụt Sarisarinama - Khi trái
đất “rung rinh”
Những hố sụt kì lạ này lần đầu tiên được phát hiện là năm
1947. Vùng rừng rậm dày đặc ở bang Bolivar (gần biên giới với Brazil) này
xuất hiện những hố sụt lạ rộng đến 300m, kéo theo cả một mảng rừng “hụt”
xuống khỏi mặt đất.
Hai hố lớn trong đó, Sima Humboldt và Sima Martel, có một
hệ sinh thái rừng cô lập so với phần rừng còn lại. Có rất nhiều loài cây và
thú đặc hữu chỉ xuất hiện trong những hố Sarisarinam này, thu hút sự chú ý
của giới chuyên môn, đặc biệt là các nhà sinh vật học.
6. Úc: Hố sụt Mount Gambier – Đối thủ của
vườn treo Babylon cổ đại
Nếu kì quan thế giới ngày xưa có vườn treo Babylon nổi
tiếng thì ngày nay ở Úc cũng xuất hiện một dạng vườn đối lập lại, “vườn ngầm”
Gambier! Hố sụt Gambier này cũng là kết quả của sự xói mòn lớp đá vôi yếu nằm
bên dưới lớp đất cứng theo thời gian. Dần dần, trần hang đá vô sụp xuống tạo
thành vùng trũng như ngày nay.
Nổi bật nhất trong vườn hoa ngầm này là những dây leo
thường xuân mọc từ mặt đất rũ dài xuống đáy hố như một bức màn xanh đầy sức
sống. Ngoài ra, người ta còn trồng trong hố nhiều loại hoa kiểng, dương xỉ,
tầm gửi, biến nơi đây thành một điểm du lịch khá độc đáo. Ban đêm, ánh sáng
từ đáy hố phát lên mờ ảo càng thu hút ánh nhìn của du khách xung quanh.
7. Hoa Kì, bang Wyoming: Hồ Morning Glory –
“Vẻ rực rỡ của ban mai”
Đúng như tên gọi của nó, Morning Glory là mạch nước nóng
đẹp nhất và nổi tiếng nhất thuộc vườn quốc gia Yellowstone. Cái tên mĩ miều
của nó xuất phát từ cảnh quan bảy sắc cầu vồng đẹp hiếm có của nước khi ánh
nắng mặt trời chiếu vào, trông như một bông hoa nở bung vào buổi sáng. Màu
sắc này có được do một loài vi khuẩn đặc biệt (còn gọi là tảo nhiệt) sống
trong suối nước nóng.
Hiện nay, màu sắc tuyệt đẹp ở hồ này đang có nguy cơ mất
dần do sự thiếu ý thức của người dân khi xả rác bừa bãi. Thậm chí kim loại từ
những đồng xu may mắn sẽ làm bít lỗ thông hơi của hồ, khiến nhiệt độ hồ giảm
xuống và làm chết vi khuẩn, dẫn đến mất màu nước.
8. Hoa Kì, bang Alabama: Hố Nerversink Pit –
Đường đến tâm trái đất
Neversink Pit là một hố sụt đá vôi nổi tiếng khác của nước
Mỹ. Nhưng khác với Morning Glory, hố này không có nước. Chỉ sâu 50m nhưng vẻ
heo hút của hố sụt này dễ làm người ta liên tưởng đế một lối ngầm dẫn đến
trung tâm trái đất.
Tuy nhiên, không vì thế mà Neversink Pit thua kém về sức
thu hút. Những mảng bám rêu phong và dương xỉ bám theo từng rìa đá cùng những
dòng suối nhỏ chảy róc rách đã lôi kéo được rất nhiều nhiếp ảnh gia đến đây
tác nghiệp. Nhiều loài dơi và dương xỉ quý hiếm cần được bảo vệ cũng cư ngụ
tại đây.
9. Phần Lan: “Ấm đun nước của người khổng
lồ”
Một điểm tham quan thú vị ở vùng Rovaniemi thuộc Phần Lan
chính là chiếc hố Kirnu trông như ấm đun nước khổng lồ này. Hố tự nhiên chỉ
rộng 8m và sâu 15m.
Vì bề mặt quá tròn và nhẵn nhụi, thêm vào đó là hai hố
tròn nhỏ không đều nhau bên dưới đáy hố lớn càng làm dân địa phương tưởng
tượng ra chiếc ấm và vòi ấm. Nước trong hồ chủ yếu do băng tuyết mùa đông tan
ra dần.
10. Lebanon: Hố sụt Balaa - Tiên cảnh hạ
giới
Địa danh này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1952, bắt
đầu nghiên cứu khám phá 10 năm sau và hoàn thành hệ thống bản đồ năm 1980.
Nằm ở làng Tannourine phía bắc Lebanon, hố sụt Balaa sâu
khoảng 250m nhưng một phần hố mở thông ra bên ngoài, cho du khách một cái
nhìn toàn diện về “nội thất” bên trong. Điểm nhất trung tâm chính là ngọn
thác hùng vĩ chảy từ trên đỉnh xuyên suốt chiều sâu của hố, qua hàng trăm
triệu năm bào mòn đá vôi đã gián tiếp tạo nên ba cây cầu tự nhiên song song
với nhau.
Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét