Nằm ở khu vực Tây Bắc Ấn Độ, bang Rajasthan nổi tiếng với nền văn hóa lâu đời và những thành phố cổ xinh đẹp.Trong đó, lãng mạn bậc nhất phải kể đến Udaipur, thành phố du lịch nằm dưới chân núi Aravalli. Có nhiều hồ nước và sông rạch lại thêm khí hậu mát mẻ dễ chịu, Udaopur còn quyến rũ du khách bởi những kiến trúc xinh đẹp, độc đáo.Nguồn sưu tầm by Ngoan Trương Công
Miền đất trăng mật
Với dáng dấp của một thành phố cao nguyên, Udaipur được bao phủ bởi rất nhiều cụm cây cổ thụ tỏa bóng tươi xanh, mát rượi. Ẩn hiện dưới những tán cây là các dinh thự, nhà cửa ở hầu hết được sơn màu trắng, tạo cho cả thành phố một vẻ đẹp thanh lịch, trang nhã.
Từ trên dãy Aravalli nhìn xuống, Udaipur trông giống như một bức tranh thiên nhiên vẽ cảnh đồi núi, thành quách nghiêng nghiêng soi bóng xuống những hồ nước trong xanh phẳng lặng.
Cũng như nhiều thành phố ở Ấn Độ, trung tâm Udaipur là phố phường chật hẹp với những chiếc xe kéo đầy màu sắc ngược xuôi hối hả. Mùi gia vị và những âm thanh ồn ào, gay gắt khiến nhiều du khách chưa quen phải nhăn mặt. Tuy nhiên, thiên đường của Udaipur không phải ở đó mà là những dải dinh thự cổ kính nằm ven các hồ nước.
Được mệnh danh là Venice của Ấn Độ, Udaipur có đến năm hồ lớn và nhiều kênh rạch nhỏ. Tại đây, nước là nguồn mạch sống và cũng là trung tâm của mọi hoạt động sinh hoạt của người dân.
Pichola là hồ nước lớn nhất Udaipur, có diện tích khoảng 700ha và một số đảo nhỏ xinh đẹp ở giữa. Bao quanh bờ hồ Pichola là 11 cung điện lộng lẫy phản chiếu qua làn nước xanh thẳm khiến cảnh sắc Udaipur càng thêm hùng vĩ.
Được biến thành nơi nghỉ mát từ năm 1362, Pichola nổi tiếng nhất với Lake Palace, cung điện toàn bằng cẩm thạch trắng nằm giữa hồ được xây dựng bởi một vị hoàng tử hào hoa. Ngày nay, cung điện đã được biến thành khách sạn và là nơi hưởng tuần trăng mật lý tưởng của nhiều đôi lứa hiện đại.
Udaipur trong nắng chiều
Nằm phía Bắc của hồ Pichola là Fateh Sagar, hồ nhân tạo có từ năm 1678. Fateh Sagar được tạo nên không gì ngoài mục đích làm cho Udaipur trở nên mát mẻ, thơ mộng hơn nữa và trở thành nơi nghỉ mát hoàn hảo của giới quý tộc.
Hồ Pichola cùng những hồ khác ở Udaipur cũng là nơi tuyệt vời để chiêm ngưỡng các loài chim xinh đẹp quý hiếm như mỏ sừng xám, gà gô xám, công, thiên đường đuôi phướn và chim gõ kiến vàng…
Người ta thường thưởng ngoạn cảnh hồ bằng loại thuyền lớn như những tòa nhà, được trang trí lộng lẫy với phong cách vua chúa Ấn Độ. Có thể thấy các tiểu vương Ấn Độ xưa dù xa hoa nhưng cũng rất tinh tế, thông minh trong hưởng thụ.
Lâu đài giữa hồ
Thông thường, những chuyến du lịch trên hồ bắt nguồn từ bến tàu Udaipur, rồi theo một tuyến đường bao quanh các hòn đảo. Nếu đi ban ngày, du khách sẽ được nhìn thấy cảnh sinh hoạt đông vui và đời sống đầy màu sắc của người dân thành phố cổ. Còn nếu đi ban đêm, du khách sẽ được đắm chìm trong thế giới lung linh huyền ảo của tầng lớp quý tộc xưa.
Đặt một bữa tối dưới ánh nến trên chiếc thuyền phao, trong tiếng nhạc Rajasthani truyền thống, những điệu múa dân gian với bước nhảy uyển chuyển, sắc màu rực rỡ của trang phục cùng với các chi tiết đẹp mắt của trang sức trên người vũ công như đưa khán giả vào một thế giới khác.
Đặc sắc nhất là màn vũ công vừa nhảy múa vừa giữ thăng bằng với thanh kiếm hay uốn dẻo theo động tác của loài rắn. Với những ai đã lên kế hoạch cho việc đính hôn ở nơi đây thì chỉ cần thêm một màn bắn pháo hoa là đã có một sự sắp đặt hoàn hảo.
Bên hồ nước
Những di sản văn hóa và vẻ thanh lịch đã khiến Udaipur trở thành điểm đến yêu thích của các lứa đôi từ khắp nơi trên thế giới, nhất là những người muốn có một đám cưới mang phong cách hoàng gia xưa. Vì vậy, thành phố thường xuyên diễn ra lễ cưới của các chính khách, nghệ sĩ nổi tiếng.
Thông thường, đám cưới ở Udaipur được tổ chức kèm theo một lễ rước bằng voi, lạc đà và ngựa đi kèm với các màn biểu diễn dân gian gồm ca múa nhạc, màn điều khiển rắn bằng sáo, múa rối… Ngoài ra, người ta cũng không quên những chiếc xe cổ quý phái đưa đón khách để làm nên một đám cưới đẹp như cổ tích.
Những nét đẹp vùng Bắc Ấn
Bên cạnh những hồ nước quyến rũ, Udaipur còn có nhiều địa điểm lôi cuốn khác. Chẳng hạn như pháo đài khổng lồ Udaipur, nơi hấp dẫn du khách nhờ phong cách kiến trúc độc đáo.
Cung điện Gió Mùa
Ngoài ra, Udaipur còn tự hào bởi quần thể bảo tàng, cung điện, vườn cây, tượng đài kỷ niệm, nhiều đền chùa lộng lẫy, linh thiêng cùng những lễ hội đầy màu sắc. Nổi tiếng nhất là điện Gió Mùa, một khu nghỉ mát tráng lệ của hoàng gia xưa nằm trong quần thể cung điện cổ trên đỉnh đồi nhìn ra hồ Pichola.
Gió Mùa xây bằng đá cẩm thạch trắng được chạm khắc tinh tế, cầu kỳ với họa tiết đặc trưng Ấn Độ. Bao quanh điện là các hồ nước trong veo, những tòa nhà sừng sững, đồ sộ và phong cảnh đồng quê tuyệt đẹp.
Vào thế kỷ XIX, các kiến trúc sư địa phương xây dựng Gió Mùa với ý tưởng tạo nên một nơi để ngắm những đám mây bao phủ bầu trời khi gió mùa kéo đến Ấn Độ. Mỗi ngọn tháp trong cung điện đều có một đài quan sát trên đỉnh. Cả công trình bao quanh một sân lớn ở trung tâm, có cầu thang dẫn lối lên nhiều phòng và sảnh khác nhau.
Mỗi cây cột lớn bằng đá cẩm thạch đều được chạm khắc cực kỳ tinh xảo. Về đêm, đèn thắp sáng các sảnh, lối đi, đài phun nước, tạo cho cung điện một vẻ đẹp lung linh vương giả.
Một góc cung điện bên hồ
Ngày nay, cung điện nằm trong khuôn viên của vườn quốc gia Ấn Độ, nơi sở hữu một hệ động thực vật vô cùng phong phú. Đến với khu cung điện, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một kiệt tác kiến trúc hoàng gia mà có thể tham gia vào các tour cưỡi voi, săn bắn trong rừng hay thong thả tản bộ ngắm cảnh làng quê thanh bình quanh đó.
Cùng với Gió Mùa, đa số các kiến trúc trong quần thể cung điện bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ XVI này hiện đã trở thành viện bảo tàng. Rajasthan vốn rất nổi tiếng với nghệ thuật hội họa tuyệt đẹp, nền âm nhạc đặc sắc, gia tài văn hóa dân gian phong phú và đa dạng.
Chịu ảnh hưởng khá lớn từ người Ba Tư cổ, lại thêm óc duy mỹ của tầng lớp quý tộc và đời sống tâm linh phong phú, thế nên nền mỹ thuật và văn hóa của Rajasthan rất giàu có và mang bản sắc riêng. Trước những bức tường của các cung điện và đền đài, dinh thự, chúng tôi thường đứng ngắm mải mê các bức vẽ tinh tế và tao nhã miêu tả đời sống Udaipur.
Những bức tranh dưới dạng tiểu họa của nhiều trường phái khác nhau ở Rajasthan hiện nay đang được giới sưu tập rất yêu thích. Trên đường phố Udaipur cũng có nhiều cửa hàng bán tranh cho du khách, dù không phải là tác phẩm nghệ thuật đích thực nhưng các bức họa mang màu sắc bắt mắt, đường nét sống động cũng đủ mê hoặc những du khách qua đường như chúng tôi.
Đền thờ
Sang trọng hơn, Udaipur cũng như toàn bang Rajasthan còn nổi tiếng thế giới nhờ kỹ thuật cắt kim cương, ngọc và chạm khắc đá quý vô cùng tinh xảo. Phổ biến nhất là các mẫu trang sức được thiết kế theo phong cách truyền thống với nhẫn, mặt dây chuyền đá quý được làm bằng tay một cách tỉ mỉ rồi ghép vào vàng hay những miếng kim loại quý.
Loại trang sức du khách thường mua làm quà là vòng đeo cổ, vòng tay, vòng chân làm bằng cách khắc axit trên vật liệu, sau đó đổ đầy màu vào và tráng mạ hoặc vàng bên ngoài.
Trên đất nước Ấn Độ bao la và muôn màu muôn vẻ, phố cổ cao nguyên Udaipur chính là một bảo tàng sống lưu giữ những vẻ đẹp tinh túy của nền văn hóa Bắc Ấn xưa.
Cổng thành xưa và nay
THÙY TRANG/DNSGCT
- Mục đích blog này chỉ sưu tầm,tập trung lại các bài viết hay để bổ sung kiến thức với mục đích học hỏi là chính.Đặt biệt blog này chỉ dành cho chính tôi - không công khai trên mạng.Nên cám ơn - xin lỗi các tác giả tôi đã copy các bài viết mà không có sự đồng ý của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét